Phong cách uống rượu của doanh nhân

24/09/2015 - 4205 view

Mở nút chai đúng cách

Với những người sành rượu vang, cách mở nút chai cần phải trải qua một số bước nhất đinh. Trước tiên, cần cắt vỏ bao quanh nút chai cách miệng chai khoảng 5mm, rồi lau sạch bằng khăn khô.

Dùng đồ khui rượu xoáy tròn theo chiều kim đồng hồ vào nút bần cho tới gần vòng xoắn cuối cùng, kéo nút bần lên khoảng 1cm thì tiếp tục xoáy tiếp cho đến khi vòng xoắn cuối cùng ngập sâu vào nút bần. Kéo từ từ lên rồi nắm vào nút chai lấy ra nhẹ nhàng để tránh không khí sộc vào nhanh quá làm xáo trộn rượu lên và cặn rượu bị bay bổng lên.

ruoi-vang-ngon

Sau đó xem nút chai để đánh giá rượu còn ngon hay đã hỏng. Nếu rượu trẻ thì nút bần có mùi của nút mạnh hơn (mùi của vỏ cây liège mạnh hơn). Nếu là rượu trưởng thành thì mùi của rượu sẽ thấm vào nút chai. Thậm chí có thể biết là rượu đó còn ngon hay hỏng rồi chỉ cần ngửi nút chai, nếm một ít rượu để khẳng định chắc chắn lại điều đó.

Đối với rượu Champagne & vang sủi tăm: Tháo dây sắt cột nút cổ chai ra. Để chai nghiêng, nắm thật chặt nút chai rồi quay cổ tay, khi nút chai đã quay được thì không quay nút chai nữa, mà phải quay chai rồi nghiêng chai để cho hơi thoát ra nhẹ nhàng.

Rót rượu vang đúng cách

Đối với các loại vang đỏ trong điều kiện nhiệt độ bình thường: Rót phải thật nhẹ nhàng hướng về phía trung tâm của ly, không để nhiễu ra bàn, không được rót đầy ly mà chỉ đến dưới phần bầu nhất của ly (thông thường bằng 2/3 ly).

Đối với tất cả các loại rượu vang khác nếu uống lạnh thì chỉ rót rượu vào khoảng một nửa ly để có thể lắc ly mà rượu không bị văng ra ngoài.

Đối với Rượu Champagne & vang sủi tăm, trước khi rót rượu thì phải lau cổ chai cho sạch. Hơi nghiêng ly một chút rồi rót rượu vào thành ly cho đến khi bằng 3/4 ly thì ngưng lại.

Với các loại vang này nhiệt độ của ly rất quan trọng. Nếu ly nóng quá thì rượu sẽ sủi hết bọt, còn nếu ly lạnh quá thì rượu sẽ bị xẹp xuống. Nhiệt độ của rượu và nhiệt độ của ly phải cân xứng với nhau thì mới thưởng thức hết được hương vị của rượu.

Thử và nếm rượu vang

Thử và nếm rượu cũng là một công đoạn khá cầu kỳ với tám bước cơ bản: Quan sát bằng mắt, lắc rượu xoay quanh ly, quan sát độ sánh, ngửi, nhấp một ngụm, lấy khí, nhấp thêm ngụm nữa, hậu vị.

Quan sát bằng mắt, đặc biệt quan sát rượu xung quanh thành ly, cũng có thể nghiêng ly rượu sang một bên để dễ dàng quan sát màu rượu chuyển từ trung tâm sang thành ly. Rượu trắng sẽ trở nên đậm màu hơn khi trưởng thành còn rượu đỏ trông sẽ hơi nâu và có những cặn rượu màu đỏ đậm dưới đáy chai hoặc đáy ly. Lúc này là thời điểm lý tưởng để ngửi cái đầu tiên, so sánh với mùi sau khi lắc và cũng là lúc phát hiện ra những mùi ôi của rượu hỏng.

Lắc rượu xoay quanh ly làm cho bề mặt rượu tiếp xúc với không khí. Sự tác động của oxy với rượu làm cho rượu bốc tỏa phát huy hết hương thơm.

Quan sát những giọt rượu bám trên thành ly rơi xuống nhanh hay chậm. Càng chậm thì rượu càng sánh nhưng nó có thể không phải là ngon vì thực ra lượng cồn trong rượu trội hơn.

Để có thể kiểm tra mùi thơm của rượu chính xác nhất nên để ly rượu cách mũi khoảng vài centimet sau đó đưa hẳn ly lên mũi.

Sau đó, nhấp một ngụm rượu, đảo rượu xung quanh miệng để có thể cảm nhận được hết vị của rượu bằng tất cả các vị giác như ngọt, chua, mặn, chát, vị béo và các thành phần của rượu.

Tiếp đó, cong lưỡi lên như khi huýt sáo. Hút khí qua miệng và thở ra bằng mũi để cảm nhận hương thơm tỏa ra. Bởi vì chỉ có mũi mới cảm nhận được hương thơm của rượu. Tuy nhiên, Enzyme và nước bọt làm thay đổi một số hợp chất thơm của rượu. Bằng cách lấy khí đi qua rượu, bạn sẽ cảm nhận được một số mùi hương thơm mới lạ do sự tiếp xúc của rượu với khoang miệng.

ruou-vang-den

Nhấp thêm một ngụm nữa và nuốt luôn để cảm nhận được sự khác biệt tinh tế về mùi hương và cấu trúc.

Cuối cùng là hậu vị, chính là dư âm mà rượu để lại trên đầu lưỡi. Đây chính là một phần rất quan trọng chứng tỏ rượu đó có ngon hay không.

Nguyên tắc kết hợp rượu vang và các món ăn

Ở Pháp hầu hết các món ăn đều có rượu vang đi cùng, chúng hòa quyện vào nhau hỗ trợ và bổ sung cho nhau tạo thành một bức tranh đầy mầu sắc và hương vị. Thậm chí có những món ăn được đầu bếp Pháp tạo ra dành riêng cho một chai rượu đặc biệt.

Người Pháp thường dùng hai kỹ thuật kết hơp rượu và món ăn cơ bản đó là: Rượu vang đã có sẵn thì phải làm những món ăn phù hợp với loại rươu đó hoặc đồ ăn đã có sẵn thì tìm kiếm rượu vang cho phù hợp.

Người Pháp có câu: “Viande blanche vin blanc, viande rouge vin rouge” (Thịt trắng rượu trắng, thịt đỏ rượu đỏ). Nhưng thực tế là cả một nghệ thuật phức tạp và cầu kỳ của sự phối hợp hương vị hài hòa giữa rượu và các món ăn.

Đồng thời, người Pháp cũng rất quan tâm tới thứ tự dùng rượu vang trong bữa ăn. Họ thường bắt đầu bằng rượu vang trẻ và kết thúc bằng những chai rượu vang lâu năm, vang trắng trước vang đỏ, loại nhẹ trước loại nặng, vang lạnh trước vang để mát, vang chua trước loại vang dịu, vang thường trước loại vang ngon…

Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung khác là sự thích thú phải được tăng dần lên cũng như ta cảm thấy chai sau uống ngon hơn chai trước.